MỘT SỐ KINH NGHIỆM VÊ PHƯƠNG PHÁP DẠY HỌC TÍCH CỰC
Tháng Mười Hai 6, 2016 2:58 chiềuTrong cuộc đời mỗi người giáo viên, thì có lẽ điều mà mỗi người trăn trở nhất là làm sao sau mỗi giờ lên lớp, các em học sinh thân yêu có thể nắm bắt được cao nhất hiệu quả của bài học. Trong dạy học, thì không có phương pháp dạy học nào là tối ưu, vấn đề cốt lõi là làm sao, mỗi giáo viên phải dựa vào tình hình thực tế lớp học để vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học, giúp cho các em học sinh tiếp thu bài nhanh và dễ hiểu.
Với tám năm trong nghề dạy học, thời gian chưa thể gọi là dài nhưng bản thân tôi cũng đã đúc rút được một số kinh nghiệm dạy học. Sau đây, tôi xin trao đổi cùng các quý đồng nghiệp một vài kinh nghiệm của bản thân về phương pháp dạy học tích cực như sau.
Giảng dạy theo phương pháp tích cực thực chất là tiếp thu mọi tinh túy của phương pháp giảng dạy truyền thống, đồng thời tích cực hóa việc giảng dạy và nhất là việc học tập của học sinh lên mức tối đa.
Có một thực tế đã qua đó là phương pháp dạy học truyền thống: Thầy giảng- trò nghe; thầy đọc – trò chép để từng bước vận dụng có hiệu quả việc dạy học thep PP mới đó là phương pháp tổ chức có hiệu quả hoạt động học tập cho học sinh. Để thay đổi thói quen này tuy không phải là dễ nhưng hoàn toàn có thể làm được. Và hơn ai hết, chính chúng ta, những người thầy, người cô phải là người khởi xướng sự thay đổi đó. Bản thân tôi cũng đã thử nghiệm phương pháp dạy tích cực cho một chương trong nội dung môn học và kết quả cho thấy nếu chúng ta khởi xướng và có biện pháp thúc đẩy, đánh giá tốt thì khả năng tự học của học sinh sẽ ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, mọi sự thay đổi đều cần có thời gian để thích nghi, không nên thay đổi đột ngột mà cần phải tiến hành từ từ, đồng bộ thì mới đem lại hiệu quả cao.
Theo quan điểm và kinh nghiệm của bản thân, khi áp dụng phương pháp giảng dạy tích cực, chúng ta nên tập trung vào những vấn đề sau:
Theo dạy học tích cực, giáo viên phải nghiên cứu bài, tài liệu đầy đủ trước khi lên lớp. Trong quá trình học tập, giáo viên chủ động đưa ra các câu hỏi, yêu cầu các em học sinh tự tìm tòi, trả lời các câu hỏi đó. Việc áp dụng phương pháp dạy học VNEN trong quá trình học tập không những giúp các em phát huy tính tích cực mà còn tăng thêm tính đoàn kết, hợp tác trong nhóm của các em học sinh.
Việc đánh giá kết quả học tập của học sinh cũng rất quan trọng; đó chính là mức đo lường kết quả học tập của học sinh để phân loại học tập và giúp học sinh học tốt hơn. Muốn vậy, giáo viên phải đưa ra các nhận xét nhằm động viên, khuyến khích các em, không chê bai hay la mắng các em. Thường xuyên gần gũi, trò chuyện, giúp cho các em có hứng thú học tập, tìm tòi kiến thức mới lạ.
Chúng ta cần rèn luyện cho học sinh có khả năng tự học, tự phát triển. Một khi học sinh tự khám phá ra tri thức mới thì các em sẽ cảm thấy hứng thú hơn với việc học. Điều này không chỉ tốt cho các em khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà còn hữu ích ngay cả khi các em vận dụng vào thực tế cuộc sống.
Còn đối với giáo viên thì niềm say mê học tập của học sinh luôn truyền cảm hứng cho các thầy cô giảng dạy hăng say và nhiệt tình hơn, các em sẽ cảm nhận được rằng mỗi lớp học là một thiên đường. Vì vậy, hơn bao giờ hết, việc đổi mới giảng dạy theo hướng tích cực hóa học sinh là thực sự cần thiết.
GV: Nguyễn Thị Kim Tiến